Chưa lấp được lỗ hổng trong quản lý kinh doanh vận tải bằng taxi

Bộ GTVT vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2009/NĐ-CP ngày 21-10-2009 của Chính phủ (NĐ 91) về kinh doanh và điều kiện vận tải bằng xe ô tô, trong đó có một số vấn đề liên quan đến quy định về kinh doanh vận tải bằng xe taxi. Thông tin này đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Quy định mới về kinh doanh vận tải bằng xe taxi đang thu hút quan tâm của dư luận.
Ảnh: Khánh Nguyên

Anh Nguyễn Hải Bắc (lái xe du lịch, phường Mộ Lao, quận Hà Đông): Về việc thuê phù hiệu của hãng taxi

Trước năm 2011, tôi mua lại xe của một hãng taxi, sau đó thuê logo, phù hiệu của hãng này hoạt động. Thực chất, tôi và hãng taxi đó không có ràng buộc với nhau nhiều, hãng chẳng có trách nhiệm gì với tôi vì tôi tự làm, tự ăn, tôi chỉ mất tiền thuê logo, phù hiệu của hãng hoạt động cho hợp pháp… Thực tế này cho thấy, một lượng không nhỏ các xe taxi đang mượn danh để “câu” khách, còn sự ràng buộc về trách nhiệm của hãng với những người thuê logo rất lỏng lẻo… Do vậy, khách hàng nhiều khi bị lái xe taxi bắt bí hay bị lừa mà chẳng biết kêu ai. Tôi nhận thấy, trong dự thảo lần này các điều kiện kinh doanh vận tải đối với xe taxi cũng chưa có thay đổi nhiều, chưa “chạm” được đến thực trạng nêu trên, do đó mới quản được “bóng” của DN mà chưa biết “ruột gan” của DN là gì.

Ông Vũ Ngọc Côn (chủ cơ sở sơn tĩnh điện, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân): Quy định vẫn chưa rõ rang

Vấn đề màu sơn trong dự thảo đã sửa đổi theo hướng cụ thể hơn trong NĐ 91, nhưng tôi thấy vẫn chưa rõ ràng. Điều 15, NĐ 91 quy định điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi ghi “có đăng ký một màu sơn thống nhất…”, còn trong dự thảo sửa đổi (khoản 7, Điều 1) quy định “DN, hợp tác xã phải đăng ký và thực hiện màu sơn đặc trưng thống nhất của phương tiện (không trùng với màu sơn đã đăng ký của DN, hợp tác xã trước đó)”. Đọc điều này tôi thấy khó hiểu vì quy định này bắt buộc tất cả các DN phải đăng ký lại màu sơn mới hay những hãng taxi đăng ký hoạt động sau không được đăng ký trùng màu sơn với hãng taxi đã hoạt động trước đó? Và mỗi hãng một màu sơn của riêng mình hay tất cả phải theo một màu sơn? Tôi cho rằng, với các hãng taxi lớn, có uy tín thì bản thân các hãng đã chọn màu sơn đặc trưng để giữ thương hiệu cho riêng mình, nếu phải sơn lại màu khác thì rất lãng phí mà vẫn không chống được taxi “dù”. Để quản lý được các hãng taxi, phải quản lý tận gốc chứ không thể chỉ dựa vào cảm tính, màu sơn, logo vì những cái đó đều có thể dễ dàng làm giả. Nếu việc sửa đổi NĐ 91 chưa có chiều sâu, các quy định chưa mạch lạc, rõ ràng và bản chất của vấn đề chưa được làm rõ thì công tác quản lý vẫn tiếp tục còn nhiều lỗ hổng…

Ông Trần Nam Hưng (phường Trung Liệt, quận Đống Đa): Phải ràng buộc trách nhiệm của DN taxi với xã hội

NĐ 91 quy định điều kiện chung kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó nơi đỗ xe (khoản 6, Điều 11) có ghi: “Đơn vị kinh doanh vận tải bố trí diện tích đỗ xe theo phương án kinh doanh” là một quy định quá chung chung và gây nhiều bất cập nhưng tôi chưa thấy được sửa đổi hay bổ sung gì. Taxi là loại hình giao thông công cộng đặc biệt, có đặc thù riêng, nhưng vì chưa có quy định chặt chẽ nên nhiều hãng không tự lo được bến bãi, điểm tập kết khiến nhiều xe đỗ bừa bãi, gây cản trở giao thông. Nếu dựa vào quy định trên, các hãng taxi đưa ra phương án kinh doanh của mình là hoạt động 24/24h thì không lẽ được bố trí diện tích đỗ xe ở ngoài vỉa hè, lòng đường? Theo tôi, quy định này cần phải nhìn nhận lại theo hướng thắt chặt trách nhiệm của các lái xe taxi, bến đỗ cần phải được quy định cụ thể chứ không thể lấy lòng đường, vỉa hè làm nơi chờ khách như hiện nay…

Anh Nguyễn Văn Kiên (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy): Bên cạnh quy định về màu sơn, cần thêm các điều kiện khác

Trong những ngày qua, tôi thấy trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về việc các cơ quan chức năng sẽ siết chặt quản lý xe taxi bằng cách sửa đổi, bổ sung một số quy định trong NĐ 91. Điều này là cần thiết vì nhiều năm qua hoạt động của các hãng taxi bị buông lỏng, xe “nhái”, xe “dù” ít bị xử lý nên đã gây không ít bức xúc cho người dân. Tôi cho rằng, màu sơn, phù hiệu… cũng là một trong những dấu hiệu, đặc thù để công tác quản lý đạt hiệu quả hơn. Tuy nhiên, không nên thống nhất tất cả một màu sơn, cần tôn trọng sự lựa chọn của các hãng đã đăng ký hiện nay vì nếu tất cả các hãng đều một màu sơn sẽ khiến khách hàng khó lựa chọn hãng, đôi khi lại đánh đồng hãng làm ăn chân chính với những hãng làm ăn chụp giật. Bên cạnh đó, dự thảo cần đưa thêm những điều kiện ràng buộc trách nhiệm để tránh thiệt thòi cho khách hàng khi đi xe taxi.

Minh Thúy lược ghi(Hà nội mới)

Bình luận về bài viết này